Báo nhân dân: Vững mạnh vì ngành công nghiệp khí đốt
03/8/2010
Hiện nay và trong tương lai dầu mỏ và khí đốt luôn là nguồn tài nguyên quý hiếm, là nguồn năng lượng, nguyên liệu chủ yếu, chiếm tỉ trọng lớn trong các nguồn năng lượng trên thế giới. Công ty khí đốt (nay là Tổng công ty Khí Việt Nam) được thành lập từ đầu những năm 90 với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh tại Việt Nam. Dầu khí luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chính sách năng lượng của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ qua các quốc gia đã tập trung vào việc khai thác dầu thô là chủ yếu, còn khí thiên nhiên mới được thăm dò và khai thác ở mức độ thấp và mang tính khởi đầu, do vậy theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và nhiều quốc gia, thế giới sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới trong đó khí thiên nhiên trở thành năng lượng chính sau hơn một thế kỷ ngự trị của dầu thô. Với đặc tính là sạch, hiệu quả, do vậy khí và các sản phẩm khí là nhiên liệu lý tưởng để phục vụ ngành điện, công nghiệp, sinh hoạt và là nguyên liệu sản xuất phân bón, hóa chất và nhựa. Cũng theo IEA, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, tỷ trọng khí hiện chiếm 23,9% và tỷ trọng này đang gia tăng nhanh chóng với mức trung bình khoảng 3,1%/năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Đối với Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu mới đây, tổng tiềm năng khí thiên nhiên của Việt Nam có thể thu hồi vào khoảng 2,4-3,0 ngàn tỷ m3, tập trung chủ yếu ở các bể: Nam Côn Sơn, Ma Lay - Thổ Chu, Cửu Long và Sông Hồng. HAI MƯƠI NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN Tiền thân của Tổng công ty Khí Việt Nam (PetroVietnam Gas – PV Gas) là Công ty khí đốt (thuộc Ban quản lý công trình Dầu khí Vũng Tàu), thành lập vào ngày 20-9-1990. Từ một đơn vị chuyên quản lý đầu tư và xây dựng, PV Gas đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới, gặp không ít khó khăn và thách thức. Song với quyết tâm cao, với tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đồng thời được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan cấp trên, sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân các địa phương và sự hợp tác của bạn hàng, trong vòng gần 20 năm PV Gas đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tích đáng tự hào và trở thành một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, để thực hiện nhiệm vụ Tập đoàn giao, đảm bảo cơ sở hạ tầng vững chắc, PV Gas đã lần lượt đầu tư và đưa các dự án sau đây vào hoạt động: Năm 1993, triển khai Dự án thu gom khí Bạch Hổ. Đây là dự án lớn, phức tạp, bao gồm hệ thống đường ống thu gom và vận chuyển khí, giàn nén khí, nhà máy xử lý khí, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng, các trạm phân phối khí, với tổng vốn đầu tư 600 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu của dự án là sớm tận thu khí đồng hành đưa vào bờ phục vụ nền kinh tế quốc dân. Dự án đã được chia thành các giai đoạn để thực hiện và đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từng phần đó là: Phần đưa sớm khí vào bờ hoàn thành vào đầu quý II-1995. Ngày 26-04-1995 dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ đã được đưa vào bờ cấp cho nhà máy điện Bà Rịa với lưu lượng 1 triệu m3/ngày đêm, góp phần giảm bớt khoản chi ngoại tệ lớn từ ngân sách Nhà nước để nhập khẩu nhiên liệu diezel. Đây là bước ngoặt đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Tiếp theo, cùng với việc hoàn thành giàn nén nhỏ, giàn nén lớn và mở rộng hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ đã được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày đêm vào ngày 25-02-1997 và 3 triệu m3/ngày đêm vào ngày 14-12-1997 để cấp cho các nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 và 2.1 mở rộng. Phần Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất Thị Vải đã hoàn thành vào cuối năm 1998, đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Ngoài việc đưa sản lượng cung cấp khí lên 4 triệu m3/ngày đêm, nhà máy còn cung cấp mỗi năm 150.000 tấn condensate, 300.000 tấn khí hóa lỏng phục vụ nhu cầu trong nước. Đường ống dẫn khí dài 45 km từ mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ đã hoàn thành vào cuối tháng 11 năm 2001, đưa thêm 1 triệu m3 khí/ngày đêm của mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ, nâng công suất của dự án khí đồng hành mỏ Bạch Hổ từ 4,7 triệu m3/ngày đêm lên 5,7 triệu m3/ngày đêm, góp phần tăng sản lượng cung cấp khí. Hiện nay, toàn bộ dự án khí Bạch Hổ đang được vận hành và khai thác một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống khí dài trên 150 km từ bể Cửu Long đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ), nhà máy xử lý khí Dinh Cố, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải với công suất chứa lớn nhất Việt Nam 6.600 tấn LPG, cảng xuất tàu 20.000 DWT, hàng năm dự án này cung cấp 1,5 tỷ m3 khí khô, 300.000 tấn khí hóa lỏng và 150.000 tấn condensate. Tiếp theo Dự án khí Bạch Hổ, tháng 12-2002, dự án khí Nam Côn Sơn (dự án khí thiên nhiên đầu tiên) hoàn thành, minh chứng cho sự phát triển vững chắc và ổn định của ngành công nghiệp khí nói chung và PV Gas nói riêng, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước. Dự án thu gom và sử dụng khí bể Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia lớn nhất trên thế giới như BP của Vương Quốc Anh và ConocoPhillips của Mỹ, có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 7 tỷ m3 khí/năm, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400 km từ lô 06.1 và 11.2 đến Phú Mỹ, Trạm xử lý khí Dinh Cố, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Đường ống Phú Mỹ - Tp. HCM nhằm tiếp nhận, vận chuyển khí từ bể Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện, các khu công nghiệp ở Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tp. HCM. Hệ thống khí Nam Côn Sơn kết hợp với hệ thống khí Cửu Long đã tạo nên cơ sở hạ tầng khí đốt quan trọng trong tam giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam bộ: Tp. Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án khí thứ 3 được hoàn thành tháng 4-2007, đó là Dự án khí PM3-Cà Mau, khí thiên nhiên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đã được vận chuyển đưa về Việt Nam cung cấp cho các hộ tiêu thụ (Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2) bằng đường ống dài trên 300 km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 214 triệu USD và công suất 2 tỷ m3 khí/năm. Đánh dấu bước khởi đầu khởi động cho cụm Khí - Điện - Đạm khu vực miền Tây Nam Bộ. Trong xu thế ngành công nghiệp khí ở trong nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, để đáp ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường trong tình hình mới, ngày 17-11-2006, PV Gas chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Chế biến và Kinh doanh sản phẩm khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam. Gần một năm sau đó, Tổng công ty Khí Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Chế biến và Kinh doanh sản phẩm khí và một số đơn vị kinh doanh khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20-4-2009, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quyết định cổ phần hóa Tổng công ty Khí Việt Nam, với số vốn điều lệ là gần 19.000 tỷ đồng. Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, PV Gas đã tạo dựng cho mình cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ để đảm bảo phát triển vững chắc từ thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ và phân phối. Về thu gom: tổng sản lượng khí thu gom từ các mỏ (Bạch Hổ, Rạng Đông, Phương Đông, Lan Tây, Lan Đỏ, Cá Ngừ Vàng, Sư Tử Đen, Rồng Đôi, PM3 & 46 Cái Nước) để đưa vào bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ hàng năm trên 8 tỷ m3. Về hệ thống xử lý, tàng trữ và phân phối khí: 2 trạm xử lý khí tại Dinh Cố Bà Rịa Vũng Tàu, gần 900km đường ống cấp khí cao áp cho 2 khu vực Đông và Tây Nam Bộ, các trạm phân phối khí tới từng hộ tiêu thụ, hệ thống kho chứa khí hóa lỏng với sức chứa gần 60.000 tấn. Với cơ sở vật chất đồng bộ và hoàn chỉnh, PV Gas đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia, gần 800.000 tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước, 100.000 tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 700.000 tấn khí hóa lỏng/năm, đáp ứng 70% nhu cầu khí hóa lỏng toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường khí hóa lỏng và góp phần bình ổn giá khí hóa lỏng trong nước. PHÁT HUY THẾ MẠNH, VƯƠN TỚI TƯƠNG LAI Tất cả các lĩnh vực hoạt động của PV Gas đã và đang được hoàn thiện, phát triển đồng bộ, nhiều dự án khí được đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao tạo ra tiền đề để xây dựng PV Gas theo mô hình sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh ở các khâu thu gom, tiếp nhận, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối khí và tất cả các lĩnh vực mua, bán, xuất, nhập khí và các sản phẩm khí. Tính đến nay, PV Gas đã cung cấp cho khách hàng trên 50 tỷ m3 khí khô, gần 4,4 triệu tấn khí hóa lỏng và trên 1,2 triệu tấn condensate; Chiếm lĩnh 100% thị phần cung cấp khí khô, 70% thị phần bán buôn và 20% thị phần bán lẻ LPG toàn quốc. Tiết kiệm cho ngành Điện trên 6 tỷ USD từ việc sử dụng khí thay dầu DO để sản xuất điện. Riêng năm 2009, PV Gas đã cung cấp cho khách hàng 8 tỷ m3 khí khô, 0,7 triệu tấn LPG, đạt tổng doanh thu trên 28.000 tỷ đồng (bằng 8-10% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và trên 1,5% GDP cả nước), lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng, đóng góp an sinh xã hội trên 100 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/người/tháng. Với kết quả hiện tại, PV Gas đang là 1 trong 3 đơn vị lớn nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Với những thành tích đạt được, PV Gas đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Nhì, Hạng Nhất vào các năm 1997, 2002, 2007 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 1993-1997, 1997-2001, 2001-2006. Nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2010. Để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển đã đề ra đến năm 2015, PV Gas đang tích cực tham gia hoạt động lĩnh vực thượng nguồn và mở rộng hoạt động ra nước ngoài, mua cổ phần các mỏ khí nhằm gia tăng nguồn khí cung cấp, đảm bảo sử dụng tài nguyên hợp lý và hiệu quả. Triển khai nhanh dự án nhập khẩu LNG để có khí nhập khẩu vào 2012 và dự án đầu tư mỏ khí tại Liên bang Nga năm 2015 bổ sung cho lượng khí thiếu hụt trong nước. Thu gom tối đa các nguồn hiện tại, các nguồn đã phát hiện, đưa vào sử dụng các nguồn mới và các nguồn có hàm lượng CO2 cao ở các khu vực Miền Bắc và Miền Trung. Phấn đấu sản lượng khí thu gom và đưa vào bờ tăng trung bình 11%/năm, đạt sản lượng trên 13,5 tỷ m3 vào năm 2015; bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2012 với sản lượng trung bình 1,5 triệu tấn/ năm. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để nối với các hệ thống đường ống hiện có, nhằm sử dụng tối đa công suất của các đường ống sẵn có tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3-CAA-Cà Mau. Hoàn thành đầu tư các dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ômôn, đường ống Nam Côn Sơn 2 và đường ống kết nối Đông-Tây Nam Bộ. Nghiên cứu kết nối hệ thống đường ống dẫn khí của Việt Nam với đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á. Đầu tư chế biến sâu, thu hồi tối đa sản phẩm, gia tăng giá trị khí. Hoàn thành nhà máy xử lý khí Cà Mau năm 2014, tách ethane năm 2013. Đa dạng hóa sản phẩm, khách hàng. Phát triển mạnh các hoạt động sản xuất và cung cấp CNG cho giao thông vận tải, hộ công nghiệp với mục tiêu đạt sản lượng 250 triệu m3 vào năm 2015. Đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo tàng trữ, phân phối hiệu quả toàn bộ LPG từ nhà máy xử lý khí (Dinh Cố, Cà Mau), các nhà máy lọc dầu của Tập đoàn và nhập khẩu nhằm khôi phục thị phần và giữ vững vai trò chủ đạo với mục tiêu tăng trưởng sản lượng 13%/năm. Hoàn thành kho chứa LPG lạnh với công suất 60.000 tấn tại Thị Vải và hàng loạt các kho định áp 2.000-4.000 tấn tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Phát triển và trở thành nhà cung cấp hàng đầu và có uy tín về các dịch vụ vận chuyển, xử lý, tàng trữ, xuất nhập khẩu khí và sản phẩm khí, bảo dưỡng sửa chữa, tư vấn thiết kế, xây dựng, lắp đặt, giám sát đầu tư,…. các công trình khí trên toàn quốc và thị trường quốc tế. Phát triển và trở thành nhà cung cấp hàng đầu về lĩnh vực bọc ống, sản xuất bình gas. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu, gia tăng giá trị khí, đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng. Trong tương lai không xa ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung và PV Gas nói riêng sẽ tiếp tục thay đổi, mở rộng và phát triển mạnh mẽ với các dự án Hải Sư Trắng/Hải Sư Ðen, Tê Giác Trắng, Hải Thạch Mộc Tinh, Chim Sáo, Lô B-Ô Môn (hợp tác với Tập đoàn Chevron của Mỹ, Mitsui của Nhật, Pttep của Thái Lan), kho chứa LPG lạnh công suất 60.000 tấn, nhập LNG, sản xuất LNG tại Nga, Nam Côn Sơn 2, nhà máy xử lý khí Cà Mau, sản xuất ethane....được đưa vào hoạt động giai đoạn 2011-2015. Do vậy tương lai của công nghiệp khí Việt Nam rất phát triển, với rất nhiều ước vọng và nỗ lực của mỗi CBCNV ngành công nghiệp khí quốc gia Quang Bình
Nguồn: pvgas.com.vn
|